Tiếng Vọng từ nơi miếu hoang
Ngã ba trước nhà Tư…
Người sống gọi là “ khúc cua tử thần’’
Kẻ âm gọi là cửa chờ.
Không ai dám đi ngang khi đêm đổ xuống. Bóng đèn đường nơi ấy hay nhấp nháy như mắt ai đang chớp, nhìn. Gió lạnh không theo mùa, lạnh xuyên qua da, xuyên qua cả tiếng gọi vọng từ đâu.
Tư từng nghe kể: chỗ đó từng có người bị xe cán mất. Có cô gái mất sau một cuộc gọi. Có đứa trẻ bị mất vì tai nạn xe và kha khá cái mất kì lạ tại ngã ba này.
Mỗi tai nạn đều có câu chuyện riêng của nó. Nhưng người ta chỉ còn nhớ một điều: nơi đó đã có “ khuông”
Hôm ấy, Tư ham chơi, về muộn. Đèn đường lại tắt. Bóng trăng le lói và tiếng dép lết rất khẽ. Rồi Tư thấy… một ông chú. Ngồi bệt ngay góc ngã ba. Áo rách, tóc phủ mặt, tay cầm viên đá.
Không nói không rằng, ông đi ra rồi đột nhiên giựt chân người đi xe.
Tư hét lên:
– Chú làm cái gì vậy?! Chết người đó!
Ông không trả lời ngay. Chỉ từ từ ngẩng đầu, đôi mắt lờ đờ như đã ngủ quên nhiều năm.
Giọng ông khàn đặc, như tiếng gió lùa qua cổ mộ:
– Không ai thế tôi, làm sao tôi đi được…

Tim Tư lạnh ngắt.
Không phải vì sợ, mà vì hiểu.
Một hiểu biết không học từ sách vở. Không ai dạy. Nhưng sâu trong máu, ai cũng biết:
Khi một người chết ngoài đường, nếu không có ai dẫn hồn đi, họ sẽ ở lại nơi họ mất.
Thầy Tư sau đó chỉ nói nhẹ:
– Xác thì chở về bệnh viện. Hồn thì mắc kẹt nơi trút hơi cuối. Người sống chỉ nghĩ tới tang lễ. Còn hồn thì chờ… một người chịu thay mình, hoặc chờ gia đình làm lễ gọi hồn về nhà
Từ hôm đó, Tư không dám khấn to. Chỉ lẩm bẩm mỗi lần ngang qua:
– Nếu ai còn mắc kẹt nơi đây, xin người tìm được đường đi. Mong người không phải tìm người thay thế
Bởi có những nỗi buồn… không nên kéo dài tới kiếp sau.
