Vong Linh – Hành trình còn dang dở !!!
“Em là em không tin có vong.” – một cô bé xem bài Tarot ở Hà Nội
“Là ma đó!” – cô bán trứng đầu đường nói chắc nịch
“Sinh mạng chủ thể của con người sau khi chết gọi là vong linh.” – trích phatgiao.org.vn
Tư có làm một cuộc khảo sát nhỏ về chuyện Vong Linh, và kết quả là nhận được kha khá câu trả lời kèm thêm mấy lời trêu: “Hỏi gì mấy chuyện tào lao mía lao vậy?”
Thật ra, chuyện tin hay không tin vào Vong Linh cũng không có gì lạ. Nhiều người không tin đơn giản vì họ chưa từng thấy, chưa từng chạm, chưa từng cảm. Nên việc nói “không tin” là điều hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm được. Nhưng vậy, rốt cuộc Vong là gì?
Tùy theo mỗi tôn giáo, truyền thống hay vùng miền mà khái niệm về Vong Linh sẽ khác nhau. Ta có thể dễ dàng tìm thấy định nghĩa trong sách vở, báo chí hay trên mạng. Nhưng dù có đọc bao nhiêu, nhiều khi ta vẫn cảm thấy khái niệm ấy mơ hồ, huyền ảo – như một làn khói vừa chạm đã tan.
Còn theo Tư, hiểu đơn giản Vong Linh là trạng thái của con người sau khi chết và trước khi được đầu thai. Trong giai đoạn chuyển tiếp đó, họ có thể mang nhiều hình thức khác nhau: có người gọi là ma, có người gọi là quỷ, có nơi xem là thần, là thánh. Tư nói vậy chắc sẽ có người phản đối, nhưng đây là từ cái hiểu của riêng Tư – rằng sau khi rời cõi trần, con người sẽ đi theo những con đường riêng, tùy vào nhân duyên và nghiệp lực mà thành ra những dạng tồn tại khác nhau.
Khi chưa đi đâu được – chưa đầu thai, chưa siêu thoát, chưa có con đường rõ ràng – thì tạm gọi là Vong Linh. Tùy vào từng địa phương, tập tục và tín ngưỡng, Vong có thể ở lại nơi mình chết một thời gian, rồi sau đó chuyển vào một cõi khác – một thế giới riêng, mà mắt thường chúng ta khó mà thấy được.

Vong Linh hiện hữu quanh ta. Có người bảo Vong chỉ bay lượn không chân, nhưng Tư thì nghĩ khác. Họ vẫn đi đứng, vẫn ăn uống, vẫn có cảm xúc, có tham – sân – si như con người. Vong “lâu năm” có khi còn ăn hiếp Vong “mới tới”. Họ có sở thích riêng – thích ăn gì, uống gì, thậm chí cả trò chơi. Đó cũng là lý do mà nhiều người “về” báo mộng xin quần áo, nhà cửa, món ăn, món đồ chơi….
Điều đặc biệt là Vong cũng có tên tuổi rõ ràng. Nên nếu người nhà muốn gửi đồ cúng, đốt đồ cho người thân đã khuất, Tư khuyên nên ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, ngày mất lên món đồ định gửi. Chứ không khéo đốt xong mà không ghi thì lại có cảnh giành giật trong cõi Vong, và chưa chắc người mình thương đã nhận được.
Suy cho cùng, Vong Linh cũng như mình thôi – nếu ta không đụng chạm, xâm phạm thì họ cũng chẳng muốn làm hại ai. Còn nếu có điều gì bất ổn xảy ra, có lẽ cũng là do căn duyên nào đó cần được hóa giải. Vong có người tốt, người xấu – giống như ở trần gian, cũng có người hiền lành, có người nóng nảy.
Tư chỉ mong qua chút chia sẻ nhỏ này, mọi người có thể hiểu thêm một chút – dù rất nhỏ – về thế giới của Vong Linh. Không phải để sợ, mà để biết mà sống cho tử tế hơn với nhau – người còn cũng như người đã khuất.
Vậy, Vong Linh có thật không?
Chắc chẳng ai có thể trả lời chắc chắn, nhưng nếu bạn quan tâm đến những khía cạnh tâm linh dung dị, gần gũi và đầy tính nhân văn như thế này – mời bạn cùng Tư tiếp tục hành trình khám phá tại tinhlinhtu.com
Bởi đôi khi, hiểu được thế giới bên kia… cũng là một cách để sống trọn vẹn hơn ở thế giới này.